Khẩu súng của Chekhov

Khẩu súng của Chekhov (Cây súng trường của Chekhov, tiếng Nga: Чеховское ружьё) là một nguyên tắc kịch cho rằng mọi yếu tố trong một câu chuyện đều phải phát huy tính cần thiết và những yếu tố không liên quan thì nên được loại bỏ. Mỗi yếu tố không nên tạo ra một "lời hứa hão huyền", xuất hiện nhưng không bao giờ phát huy tác dụng. Nguyên tắc này được Anton Chekhov nhắc đi nhắc lại trong nhiều bức thư, với một số biến thể, như một lời khuyên dành cho các nhà viết kịch trẻ tuổi.[1][2][3][4] Khẩu súng của Chekhov bắt nguồn từ ý tưởng rằng khi có một khẩu súng được đặt trong một hoạt cảnh thì chắc chắn tới một lúc nào đó, nó phải được sử dụng, như trong vở kịch The Seagull của chính Chekhov. Ernest Hemingway đã chế giễu Khẩu súng của Chekhov trong tiểu luận "The Art of the Short Story", đưa ra ví dụ về hai nhân vật được giới thiệu và rồi không bao giờ được nhắc đến nữa trong truyện ngắn "Fifty Grand" của ông. Hemingway coi trọng tiểu tiết, cho là độc giả chắc chắn sẽ tìm kiếm tính biểu tượng và ý nghĩa ẩn chứa trong những tiểu tiết tưởng chừng như vô dụng.[5] Nhiều cây viết khác cũng công nhận rằng việc quá chú trọng vào nguyên tắc mà Chekhov đề ra có thể khiến một câu chuyện trở nên dễ đoán và đơn điệu.[6]